Lưu truyền và dịch thuật Nam triều công nghiệp diễn chí

Nguyên bản của tác phẩm có khoảng 8 tập, viết bằng chữ Hán. Ban đầu tác phẩm có tên là Nam triều công nghiệp diễn chí, sau được Dương Thận Trai đề tựa, Nguyễn Giản viết lời bạt rồi đổi tên thành Việt Nam khai quốc chí truyện.

Sử gia đầu tiên sử dụng tác phẩm này là Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định thành thông chí ông có viết như thế này: "Nguyễn Bản Trung trong Nam Việt chí có viết: Nặc Ô Đài, Lê Quý Đôn Phủ Biên Tạp lục viết Nặc Đài"[2]. Nam Việt chí ở đây chính là Nam triều công nghiệp diễn chí. Về sau, trong quá trình biên soạn lịch sử của mình Quốc sử quán triều Nguyễn cũng dùng một bản của Nam triều công nghiệp diễn chí để biên soạn Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[2]. Khoảng năm 1905-1906, một học giả pháp tên L.Cadière đã dùng một bản của Nam triều công nghiệp diễn chí tên là Việt Nam khai quốc chí truyện để tham khảo cho tập biên khảo Le mur de Đồng hới. Sau đó, một sử gia Pháp khác tên là Henri Maspéro mượn lại của L.Cadière rồi kiếm thêm một bản khác chép cho mình một bản hoàn chỉnh, bổ sung những chỗ bản L.Cadière còn chép sót, cũng dịp này ông có chép tặng cho Viện Viễn đông Bác Cổ ở Hà Nội một bản. Hai bản này hiện vẫn đang được lưu trữ ở Société asiatique (Thư viện Hội Á Châu), bản ở Viện Viễn đông Bác Cổ ở Hà Nội hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm vẫn còn giữ[3].

Năm 1986, dịch giả Ngô Đức Thọ tìm mấy bản để so sánh rồi dịch sang quốc ngữ lần đầu với tên "Trịnh-Nguyễn diễn chí". Không bao lâu sau, ở Viện Viễn Đông Bác cổParis, Giáo sư Trần Khánh Hạo đưa ra lại một nguyên bản Hán văn của Việt Nam khai quốc chí truyện in trong tập Tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, dưới sự hiệu điểm 8 nhà văn bản học ở Đại học Văn hóa Trung Quốc tại Đài Bắc, nhóm này cũng có lưu lại một bản riêng. Ở Viện sử học cũng có lưu một bản từ dân chúng nhận được khoản năm 1955-1956, bản này có 4 tập (khoảng 404 tờ), tên đề Việt Nam khai quốc chí truyện nhưng đều ghi thêm tên phụ Hoàng triều khai quốc chí[4].

Các năm 1987, 1990, 1994, 2003; dịch giả Ngô Đức Thọ chỉnh sửa và xuất bản lại tác phẩm này, với tên lần lượt là Mộng bá vương (bản 1987 và 1990), Việt Nam khai quốc chí truyện (bản 1994) và cuối nhất lấy tên gốc là Nam triều công nghiệp diễn chí ở bản 2003.